Chuẩn bị tốt nhất cho việc chuyển giao vai trò đại diện cử tri
Các công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đang được các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện khẩn trương, chặt chẽ. Việc này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội.
Trong mọi thể chế dân chủ, việc “làm mới” các thiết chế đại diện dân cử nắm giữ quyền lực Nhà nước sau một khoảng thời gian – gọi là nhiệm kỳ – được xác định là sinh hoạt chính trị rất cần thiết, vì nhiều lý do.
Trước hết, sự chuyển biến tình hình kinh tế – xã hội dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc các giai tầng, trong cơ cấu dân số theo khu vực địa lý, trong việc định vị lại các địa phương về tầm quan trọng đối với nền kinh tế… Cần xác định lại số lượng đại biểu dân cử theo các tiêu chí tương ứng để cho phép xây dựng cơ quan đại diện có tiếng nói phản ánh trung thực bức tranh kinh tế – xã hội của đất nước và nhất là phản ánh trung thực nguyện vọng chính đáng của các thành phần xã hội khác nhau.
Cạnh đó, các đại biểu đã trải qua một hoặc nhiều nhiệm kỳ đại diện và mong muốn tiếp tục nhiệm vụ cao cả của mình cần được sát hạch lại về lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh đất nước, xã hội có nhiều thay đổi, chuyển biến so với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử trước. Thông qua các cuộc tương tác với cử tri trong khuôn khổ vận động tranh cử, các phẩm chất này sẽ được cử tri đánh giá lại. Từ đó, bằng lá phiếu bầu, cử tri sẽ quyết định có nên tiếp tục ủy nhiệm cho người đại biểu tái ứng cử để đại diện cho mình.
Mặt khác, trong quá trình tiến hóa của đời sống xã hội, chắc chắn sẽ xuất hiện các nhân tố mới, cụ thể là những con người mới có khả năng đảm nhận vai trò đại diện cho cử tri với hiệu quả cao hơn. Cần phải tạo điều kiện cho những người này thể hiện năng lực. Để có những ứng viên tốt nhất, nhằm giúp cử tri lựa chọn đúng người có đủ tâm, tài, đức đại diện cho mình, cần phát huy vai trò của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp… Thông qua giao tiếp chuyên môn, sinh hoạt tập thể, các nhân tố nổi trội được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phát hiện và tiến cử.
Không loại trừ khả năng có những người tự đánh giá có đủ các phẩm chất và năng lực cần thiết cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra cho người đại diện của dân, nhưng vì lý do gì đó không được sự tiến cử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Phải tạo điều kiện cho những người này thể hiện khả năng thông qua con đường tự ứng cử.
Dù được tiến cử hay tự ứng cử, các ứng viên tiềm năng phải tỏ ra có sức thu hút đối với cử tri để xứng đáng bước vào cuộc tranh cử chính thức. Ở nhiều nước, luật đòi hỏi người muốn ứng cử phải thu được một số lượng chữ ký tối thiểu xác nhận sự tín nhiệm của cử tri, từ đó cho thấy triển vọng trúng cử. Ở nước ta, việc kiểm tra sức thu hút của ứng viên tiềm năng được thực hiện dưới hình thức lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi làm việc. Chỉ những người nào thu được số phiếu tín nhiệm cao thì mới được vào vòng trong.
Để bảo đảm sự công bằng giữa các khu vực nghề nghiệp, các thành phần, giai tầng xã hội trong việc có tiếng nói đại diện các cơ quan quyền lực Nhà nước, cần cân đối số lượng ứng viên hợp lý, việc này phải được thực hiện thông qua hiệp thương của các tổ chức. Mặt trận Tổ quốc là tổ chức có thể đảm nhận tốt nhất vai trò cầm trịch trong tiến trình này.
Mọi người dân kỳ vọng cuộc bầu cử lần này tạo sinh khí mới cho hệ thống chính trị, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và toàn diện của đất nước.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hoa Sen)
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 05/04/2021. )