Đãi ngộ trí thức, người tài tương xứng với sự cống hiến
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.
Đó là lời khẳng định của Đảng, được ghi nhận tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại trong phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII vừa diễn ra.
Đất nước Việt Nam là chiếc nôi của hiền tài. Ở bất kỳ thời đại nào cũng có những nhân tố tài năng giữ vai trò nòng cốt trong cuộc chinh phục của dân tộc đối với những đỉnh cao khoa học và kỹ thuật.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, đội ngũ trí thức đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc ta trước thực dân, đế quốc, trong điều kiện tương quan lực lượng tham chiến của hai bên hoàn toàn bất lợi cho chúng ta về mọi phương diện.
Trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, việc đẩy mạnh sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang cho thấy là biện pháp có tác dụng tăng tốc phát triển kinh tế, là giải pháp cho bài toán đưa một nước ở trình độ thấp về phát triển kinh tế đuổi kịp các nước ở trình độ cao. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trước những thách thức của biến đổi khí hậu, nền kinh tế dựa trên tri thức được xác định là nền kinh tế có khả năng tạo ra giá trị vật chất cao và bền vững.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trí tuệ Việt Nam cho thấy một nước có hệ thống dịch vụ y tế công cộng chưa thật sự phát triển vẫn có thể kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Chính nhờ khống chế được dịch bệnh mà đất nước duy trì được sinh hoạt bình thường, có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế dương, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang chật vật trong việc giải quyết vấn đề kép – ứng phó dịch bệnh đồng thời bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân.
Một trong những bài học rút ra từ lịch sử của đất nước là một khi người tài có điều kiện phát huy tài năng của mình thì quốc gia phát triển mạnh và thịnh vượng. Bởi vậy, cần thường xuyên quan tâm đặc biệt đến việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi để trí thức, người tài phát huy tài năng, trí tuệ.
Nói riêng về việc sử dụng trí thức, người tài, cần có cơ chế, biện pháp thích hợp. Trong khu vực công, công tác tuyển dụng, đề bạt phải dựa vào năng lực chuyên môn, sở trường được đánh giá thông qua các cuộc sát hạch khách quan, minh bạch.
Cạnh đó, phải có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với trí thức, người tài. Một chính sách như thế được xây trên hai trụ cột: chế độ thù lao thỏa đáng và trách nhiệm xã hội rõ ràng của người thụ hưởng. Rõ hơn là cần làm cho trí thức, người tài hiểu rằng muốn hưởng thù lao xứng đáng thì phải thể hiện khả năng chuyên môn xứng đáng. Với chính sách đãi ngộ hợp lý, người thụ hưởng sẽ có được động lực mạnh mẽ để cống hiến bằng cách phát huy thứ chất xám tinh túy nhất của mình và được trả công tương xứng với sự cống hiến đó.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen)
Nguồn: Công An TpHCM, ngày 28/12/2020