Diễn thuyết danh nhân Nguyễn Trường Tộ
Sáng 21/12, đông đảo giảng viên, sinh viên Hoa Sen đã tham gia buổi diễn thuyết về danh nhân Nguyễn Trường Tộ với chủ đề: “Canh tân đất nước”. Buổi diễn thuyết do TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen trình bày.
Bằng lối dẫn dắt tự nhiên, TS.Bùi Trân Phượng giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ.
Ông sinh năm 1830 trong một gia đình công giáo, cha làm nghề thuốc Đông y tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Nguyễn Trường Tộ bản tính là người đặc biệt thông minh, học một biết mười, “bác văn cường ký”, được ca ngợi là “Trạng Tộ”. Ông lại có may mắn được tiếp nhận cả hai nguồn văn hóa Đông và Tây, cổ và kim. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ thụ giáo các thầy trong vùng (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và có được một vốn Hán học chắc chắn. Do những mối quan hệ tốt đẹp tình cờ, ông được giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và các môn khoa học phổ thông cơ bản. Với Nguyễn Trường Tộ cũng như với trí thức Việt Nam thời đó là chìa khóa quan trọng và cần thiết. Trên cái nền tảng ban đầu ấy, Năm 20 tuổi, ông may mắn được sang Pháp, Italia, Hồng Kông học hỏi và tiếp xúc với những nền văn minh lớn, ông có điều kiện mở rộng kiến thức và văn hóa. Ông không chỉ sưu tầm, học hỏi qua sách vở mà còn quan tâm tìm hiểu tình hình chính trị xã hội phương Tây, đồng thời rất năng nổ xông xáo tham quan nhiều cơ sở công kỹ nghệ, gặp gỡ nhiều trí thức, kỹ thuật gia, học giả châu Âu. Vì thế ngay khi bước vào tuổi 30, ông đã có một vốn kiến thức rộng và sâu về nhiều phương diện. Trong ông hình thành những tư tưởng cách tân muốn được đem giúp nước, giúp đồng bào.
Nguyễn Trường Tộ mang “Hoài bão và việc làm có chỗ khác hơn người.”
Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng
Ông quan niệm: “Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh, đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt, giành công, tham lợi tôi đều coi như mây bay nước chảy. Vả lại, tôi không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài sắc. Người ta ở đời sở dĩ không được thanh thản tự do mà phải chìm đắm trong lưới trần tục, lạc theo phường phản nghịch, đều do hai cạm bẫy này mà ra cả. Tôi thoát khỏi vòng đó, cho nên việc làm của tôi có khác người.”
Trăn trở về những tụt hậu của đất nước lúc bấy giờ ông đã đã liên tiếp gửi lên triều đình Huế 59 bản điều trần đề xuất canh tân xây dựng đất nước giàu mạnh. Tất cả những gì cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa đất nước đều được Nguyễn Trường Tộ đề cập. TS Bùi Trân Phượng phân tích tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng…TS. Phượng nhấn mạnh, Nguyễn Trường Tộ chính là người đề cập đến “học thực dụng”:
“Vậy học là gì? Là học những gì chưa biết để biết mà đem ra thực hành”.
“Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng, học những cái vụn vặt thì chỉ được cái vụn vặt.”
Người phương Tây cũng là người, (…) thế sao cái học của họ được công hiệu? (…) Là do họ biết lấy những thực tế của tạo vật ra mà học.” (Về việc học thực dụng, 1/9/1866).
Ông nhìn nhận về con đường cứu nước: “Dân đã yên rồi thì sau sẽ đưa những người hiền tài đi ra bốn bể để học tập các nước lớn (…). Ở chung với họ lâu ngày thì mới đo lường các đức tính, các lực lượng mà biết tình trạng của họ. Học được tinh thông rồi mới có kỹ xảo. Kỹ xảo giỏi thì mới mạnh, dưỡng uy súc nhuệ đợi thời mà hành động.” (Bài trần tình, 1863).
Buổi diễn thuyết thu hút nhiều khán giả quan tâm.
“Lấy cái lợi vô cùng chưa dùng của sông núi chúng ta mà đổi lấy cái trí của họ (…). Ta đã học hết cái thuật của họ (…), lấy cái trí tuệ vốn có sẵn của chúng ta thêm vào cái trí tuệ ta mua được của họ. Đất là đất của ta, mượn cái trí xảo của họ càng ngày càng già nua còn cái trí xảo của ta thì mới mẻ trẻ trung, đem hai trí mà địch lại một trí, lẽ nào không thắng được?” (Lục lợi từ, 6-7, 1864).
Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi thú vị đã được các bạn trẻ đặt ra với diễn giả, làm sáng tỏ những bài học hữu ích từ cuộc đời của danh nhân Nguyễn Trường Tộ. Tư tưởng tiến bộ của ông vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay.
Huệ Vân
>> Cl