Đầu tư “lượng” và “chất” cho ngành Du lịch
Tốc độ phát triển của ngành du lịch trong thời gian gần đây đã kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng tăng cao. Đặc biệt khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực được triển khai thì nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề chuyên môn vững vàng càng được quan tâm.
Điều này không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp lớn cho nhiều bạn trẻ mà còn đặt ra thách thức không nhỏ đối với các đơn vị đào tạo.
Cung – cầu chưa tương xứng
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tính riêng tại TPHCM, trong năm 2014 dự báo nhu cầu nhân lực ngành du lịch tăng sẽ 50% so với 2013, trong đó nhóm ngành điều hành quản lý du lịch tăng 30%. Con số này dự báo sẽ có tăng mạnh khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực được triển khai.
Sinh viên ngành Du lịch – ĐH Hoa Sen đi thực địa, khám phá các cảnh đẹp Việt Nam
Hiện nay, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về nguồn nhân lực ngành du lịch ở thời điểm hiện tại của Việt Nam, không chỉ thiếu về số lượng mà còn cả chất lượng đào tạo, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý tình huống và kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý… Chính vì vậy, tại các công ty, tập đoàn du lịch lớn hiện nay đều vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có phong cách làm việc, giỏi kỹ năng ngoại ngữ và thiếu tự tin làm việc trong môi trường quốc tế. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch khi ra trường, đi làm đều phải trải qua lớp đào tạo ngắn hạn của công ty.
Để hạn chế tình trạng chênh lệch cung – cầu của ngành du lịch, đòi hỏi các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các nhà tuyển dụng cần nắm được thực trạng nguồn nhân lực của mình để qua đó trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của nhân lực ngành du lịch, biến nhân lực ngành du lịch trở thành lợi thế của đất nước trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế một cách toàn diện.
Mục tiêu của ĐH Hoa Sen là đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao,
năng động – vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
Nắm bắt nhanh nhu cầu thiết yếu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch, Trường Đại học Hoa Sen đã cung cấp chương trình đào tạo ngành “Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành” ưu việt, sát với nhu cầu thực tiễn nhằm mang lại ưu thế nổi trội trong lĩnh vực quản trị du lịch.
Sinh viên ngành du lịch – ĐH Hoa Sen trong giờ thực hành về văn hóa các nước
Với giáo trình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp linh động giữa học tập và thực hành (2 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp), sinh viên ngành quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành trường đại học Hoa Sen không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn tích lũy được kinh nghiệm làm việc thực tế. Bằng chứng là tỷ lệ sinh viên ngành này tốt nghiệp ra trường luôn có việc làm trên 90% và được các doanh nghiệp đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng cũng như sự hội nhập tốt ở môi trường làm việc quốc tế.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á thu hút lượng du khách nước ngoài đến khám phá danh lam, thắng cảnh và các di sản văn hóa phong phú. Vì vậy, đây chính là cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ năng động, thích khám phá những điều mới mẻ. Là một nhà quản trị du lịch, bạn sẽ đóng vai trò là “đại sứ văn hóa” kết nối các nền văn hóa trên thế giới với đất nước và con người Việt Nam đến gần nhau hơn.
• Xem thông tin tuyển sinh 2014: |
(Tuổi Trẻ, 19/3/2014)