Ngành marketing – cơ hội cho thí sinh năng động
Dù mới xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây, nhưng marketing đã nhanh chóng trở thành một trong những ngành phát triển nhanh và thu hút nhiều lao động. Nhiều chuyên gia dự báo, marketing đang là ngành “thời thượng”, nhu cầu nhân lực rất lớn.
Thu nhập bình quân của nhân viên marketing ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 400 đến 600 USD một tháng, cấp quản lý từ 1.000 đến 1.500 USD một tháng. Có thể nói marketing đang là một ngành học “thời thượng” mà nhiều thí sinh mơ ước.
Sinh viên ngành Marketing Đại học Hoa Sen
“Cầu” đợi “cung”
Theo khảo sát nhu cầu tuyển dụng của trên 5.000 doanh nghiệp, trong 8 nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển cao trong năm 2009 (chiếm 70% nhu cầu nhân lực, khoảng 270.000 – 280.000 chỗ làm tại thành phố), ngành marketing, chiếm khoảng trên 30.000 lao động (gần 10%) với đa ngành nghề và nhiều cấp trình độ từ sơ cấp nghề đến ĐH, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc đào tạo Công ty truyền thông tiếp thị VietNam Marcom, khẳng định: “Khảo sát nhiều doanh nghiệp, mỗi năm trung bình nhu cầu tuyển dụng ngành này tăng 10%, đặc biệt là vị trí nhân sự cao cấp. Lương khởi điểm thấp nhất là ba, bốn triệu đồng, sau một năm kinh nghiệm, lương có thể lên đến 7, 8 triệu đồng”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM, chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi cao về sự nhanh nhẹn, sáng tạo, thực tiễn trong hoạt động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; để khai thác thị trường còn đòi hỏi phải tìm hiểu sâu về sản xuất, kinh doanh, mặt hàng, sản phẩm, tâm lý giao tiếp, kiến thức xã hội, sức bền bỉ trong công việc, quan hệ. Ngoài ra, kỹ năng mềm như: quản lý, lắng nghe hiệu quả, thuyết phục, xử lý thông tin và ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu.
Ngành “rộng cửa” cho thí sinh
Ông Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng đào tạo ĐH Marketing, cho biết: “Nhiều thí sinh và phụ huynh khi nhắc đến ngành này thường nghĩ ngay đến hình ảnh đi chào hàng hay cái gì đó đại loại như quảng cáo. Thật ra, đây chỉ là những khâu nhỏ trong một hệ thống những công việc mà chuyên viên marketing phải đảm nhiệm”.
Trong marketing còn nhiều chuyên ngành nhỏ và chuyên môn hóa hơn quảng cáo như: nghiên cứu, khảo sát thị trường, PR, bán hàng, phát triển thị trường… Marketers, tên gọi chung của tất cả những người làm việc trong lĩnh vực marketing, là người vạch ra chiến lược kinh doanh, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp thông qua những sản phẩm cụ thể đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Với chuyên môn về marketing, khi ra trường, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất (bộ phận nghiên cứu và phát triển, phòng thị trường…) các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ các cơ quan, tổ chức phi lợi nhuận…
Ở phía Bắc, năm 1966, tại ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội, ngành marketing thuộc khoa Vật giá, từ năm 1988 – 1990 thuộc khoa Vật giá – Du lịch, năm 1990 – 1992, ngành này lại thuộc khoa Du lịch – Marketing. Từ năm 1992 đến nay, Marketing chính thức tách thành khoa riêng biệt, với chuyên ngành quản trị Marketing. Điểm chuẩn trúng tuyển ngành này năm 2008 là 22.
Ngoài ra, tại ĐH Thương Mại có ngành Marketing thương mại. Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2008 của trường này là 17. ĐH Ngoại Thương, marketing thuộc ngành Quản trị kinh doanh, điểm trúng tuyển khối A là 25, khối D1 là 22,5, khối D6 là 23.
Tại phía Nam, từ năm 2008, ĐH Marketing chính thức thành lập khoa Marketing, gồm hai chuyên ngành Marketing tổng hợp và quản trị thương hiệu. Một cán bộ đào tạo của trường cho biết, năm 2007 có 1.050 hồ sơ nộp đơn thi ngành này. Năm 2008, khi tách khoa, hồ sơ thi vào ngành này tăng gấp đôi: 2.267. Điểm trúng tuyển ngành này tương đối “mềm”, chỉ 14,5 điểm (khối A và D1). Năm 2009, trường vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh gồm 1.000 chỉ tiêu bậc ĐH, 1.300 bậc CĐ và dành 600 chỉ tiêu đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp.
Thí sinh cũng có thể thi vào khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Kinh Tế TP HCM để học về marketing. Năm 2009, trường dành 5.000 chỉ tiêu đào tạo ĐH, điểm trúng tuyển cho tất cả các ngành năm 2008 là 18,5 điểm.
Ngoài ra, khoa Quản lý công nghiệp ĐH Bách Khoa TP HCM cũng đào tạo ngành này trong bộ môn “Tiếp thị và Quản lí”. Điểm trúng tuyển khoa Quản lý công nghiệp năm 2008 là 17,5.
Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ cho các trường ĐH-CĐ tăng thêm 10 – 12 % chỉ tiêu, vì vậy, ngành marketing dự kiến chỉ tiêu năm nay cũng sẽ tăng và cơ hội cho thí sinh chọn ngành này sẽ rộng hơn.
Theo Nguyễn Thủy
(Nguồn: )
Chương trình Cử nhân Marketing của ĐH Hoa Sen cung cấp các kiến thức nền tảng về Marketing và các kỹ năng chuyên môn cần thiết để vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào một hoạt động marketing cụ thể ở cấp độ lập chiến lược marketing cũng như thực thi một hoạt động marketing tại các tổ chức.
Đặc điểm nổi bật của chương trình là sự kết hợp giữa tính tiên phong và tính thực tiễn, Sinh viên được nghiên cứu và hướng dẫn theo những tài liệu chuyên môn mới nhất, được tiếp cận những thành quả nghiên cứu mới nhất về nghệ thuật Marketing trên thế giới. Đồng thời chương trình mang tính sáng tạo và tương tác cao thông qua các hoạt động thực tiễn, giúp người học có được các kỹ năng hữu dụng trong công việc sau này. Sinh viên sẽ có được các kinh nghiệm thực tiễn thông qua các đợt thực tập toàn thời gian tại doanh nghiệp, các đề án và các buổi hội thảo chuyên ngành. Xem thêm thông tin |