Quản trị nhân lực – ngành học thu hút bạn trẻ
Công tác nhân sự tại doanh nghiệp đòi hỏi phải có một bộ phận chuyên trách, có khả năng chuyên môn và tố chất phù hợp. Do đó, quản trị nhân lực đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học.
Con người là nòng cốt, nguồn lực quan trọng và cũng là trung tâm sự phát triển của mỗi công ty, doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhận thức sâu sắc rằng: để tồn tại và vươn lên cạnh tranh tốt hơn, giải pháp quan trọng nhất là giải pháp về con người.
Công việc của người quản trị nhân lực
Tuyển chọn nhân sự, sắp xếp đúng người đúng việc, tổ chức công việc, quản lý hiệu quả hoạt động của người lao động, nâng cao năng lực của nhân viên… được xem là một trong những chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Người giữ chiếc chìa khóa ấy không ai khác là những nhà quản trị nhân sự. Công tác nhân sự tại doanh nghiệp đòi hỏi phải có một bộ phận chuyên trách, có khả năng chuyên môn và tố chất phù hợp.
Công việc chính của phòng nhân sự thường rất đa dạng, bao gồm: tuyển dụng, đào tạo nhân viên, công tác định mức lao động, mô tả công việc, theo dõi chấm công, tính lương, thực hiện các công việc liên quan đến bảo hiểm, giải quyết chế độ (thai sản, nghỉ việc, phúc lợi, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động…). Sự cần thiết và quan trọng của bộ phận nhân sự còn thể hiện ở việc định hướng và quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Nghiên cứu những công ty được đánh giá là biết “thực hành nhân sự tốt nhất” (HR Best Practice) ở khu vực Đông Nam Á chỉ ra rằng, cứ khoảng 100 người lao động trong công ty thì cần một nhân viên nhân sự. Nếu đem chỉ số này áp dụng tại TP HCM, nơi có khoảng 138.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 1 triệu người lao động thì phải cần đến 10.000 nhân viên nhân sự thời điểm hiện tại. Thế nhưng, nguồn cung nhân viên nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng lẫn chuyên môn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên nhân sự có chất lượng cũng như nhà quản lý nhân sự giỏi và chuyên nghiệp.
Theo học ngành quản trị nhân lực
Là trường đại học giàu kinh nghiệm đào tạo ngành quản trị nhân lực, Đại học Hoa Sen là một trong những điểm đến uy tín cho các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này.
Sinh viên Đại học Hoa Sen thuyết trình trong giờ học.
Chương trình đào tạo ngành quản trị nhân lực của Hoa Sen bám sát với thực tế công việc, dựa trên bảng mô tả công việc của cán bộ nhân sự làm việc tại các công ty trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo được kiểm định bởi ACBSP (Mỹ), đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế. Hai kỳ thực tập trong suốt thời gian học giúp sinh viên tiệm cận với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên còn được tham gia các buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề, học hỏi kinh nghiệm từ các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự. Phòng thực hành nhân sự (HR Lab) sẽ trang bị kiến thức, kinh nghiệm và tư vấn cần thiết cho sinh viên khi phỏng vấn xin việc hoặc khi gặp những khó khăn trong công việc liên quan đến nhân sự. Đặc biệt, cuộc thi “Nhà nhân sự tài năng” do ĐH Hoa Sen đăng cai tổ chức sẽ giúp sinh viên phát triển những kỹ năng làm việc trong ngành nhân sự cũng như cơ hội giới thiệu CV của mình tới nhiều nhà tuyển dụng lớn, tiềm năng như VNG, Jobstreet, Oxyland, Talent Viet, Metro, Decathline…
Triển vọng việc làm của ngành nhân sự rất phong phú. Sinh viên có thể trở thành một nhân viên, chuyên viên phụ trách một trong các mảng như: tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân lực, đánh giá thành tích – khen thưởng, lương bổng và phúc lợi, quan hệ lao động, quản lý hành chính nhân sự, nghiên cứu thị trường lao động, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Sinh viên cũng có thể trở thành tư vấn viên các hoạt động nhân sự trong tổ chức, trợ lý giám đốc nhân sự.
Nếu là người biết lắng nghe, có khả năng đối thoại và đàm phán, đồng thời luôn có tinh thần sáng tạo, bạn đã có tố chất để theo đuổi ngành này. Thành công sẽ không từ chối những ai biết chọn đúng việc mình cần làm và quyết tâm thực hiện đến cùng.
Theo Sơn Trà
(Nguồn: , ngày 26/05/2016)