ĐẠI HỌC HOA SEN VINH DỰ CÙNG SỞ CÔNG THƯƠNG VÀ HIỆP HỘI LOGISTICS TP.HCM TỔ CHỨC “DIỄN ĐÀN LOGISTICS TP.HCM” LẦN 1 – NĂM 2022
Chiều 30/9, Sở Công thương TPHCM phối hợp Trường Đại học Hoa Sen và Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA) tổ chức Diễn đàn Logistics Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2022 (HCMC Log 2022).
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, thành phố đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm Logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 03 trụ cột chính phát triển ngành Logistics thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng, TP HCM xác định phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố.
Đến năm 2030, nhu cầu nhân lực toàn ngành cần trên 200.000 người, riêng TP.HCM cần khoảng 100.000 người, mỗi năm cần 10.000 người trong khi mỗi năm các trường đào tạo được 2.500 sinh viên, học viên/năm.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho biết năng suất của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,6 lần). Năng suất lao động thấp, không bền vững là một nguyên nhân của chi phí logistis cao. Đánh giá về tình trạng nhân lực logistics, PGS.TS Thúy đề cập đến 4 điểm nghẽn: bất cập cung – cầu, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực; nguồn nhân lực và chuyển đổi số; nhận thức của xã hội về nghề.
Từ 4 điểm nghẽn trên, hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đưa ra giải pháp và chia sẻ mô hình doanh nghiệp mà nhà trường đang thực hiện. Đầu tiên, cần xây dựng hệ sinh thái đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics giữa 3 nhà: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp và hệ sinh thái này phải tạo được sự kết nối thành 1 nhà, từ đó chia sẻ được tài nguyên giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp.
“Hiện tại, nhà trường áp dụng hiệu quả mô hình nhà trường và doanh nghiệp dành cho các ngành du lịch. Cụ thể, đối với chương trình Hoa Sen Elite, sinh viên có 2 năm thực học tại trường và 2 năm thực làm tại doanh nghiệp. Nhà trường đào tạo lý thuyết. Doanh nghiệp đào tạo thực hành – thực làm. Điều này tránh được việc nhà trường đào tạo, doanh nghiệp đào tạo, tránh lãng phí “2 lần”. Lãng phí thời gian của sinh viên, học viên phải mất nhiều năm để có thể ứng dụng cho nghề”, cô Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ thêm.
Là một đơn vị tiên phong trong giáo dục đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực Logistics cho xã hội, Trường Đại học Hoa Sen không ngừng đổi mới chương trình đào tạo Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiệm cận với những thay đổi của ngành. Nhà trường luôn bổ sung các học phần đào tạo phù hợp với thực tiễn của nhà tuyển dụng, mang tính “thực chiến”; việc giảng dạy lý thuyết luôn gắn kết với trải nghiệm thực tế. Sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động thực địa, tham quan và học tập tại doanh nghiệp logistics qua nền tảng công nghệ logistics lớn nhất Việt Nam. Song song đó, sinh viên cũng được trang bị những chứng chỉ nghề nghiệp giá trị như FIATA (Thụy Sỹ),… và có nhiều cơ hội việc làm hơn khi ra trường.
Tập thể sư phạm trường Đại học Hoa Sen tham dự Diễn đàn Logistics. Đặc biệt, đối với Kỷ yếu Diễn đàn Logistics TP.HCM, các giảng viên trường Đại học Hoa Sen cũng vinh dự tham gia đóng góp nhiều bài viết có giá trị và hàm lượng khoa học, tập trung những vấn đề thời sự về Logistics và chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, cung cấp những thông tin hữu ích, thiết thực phục vụ công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động doanh nghiệp ngành Logistics nói riêng.