Sinh viên HSU giao lưu cùng ekip làm phim “Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn”
Những bí mật đằng sau bộ phim chiếm lĩnh nền tảng K+ và Netflix đã được tiết lộ bởi ekip làm phim Tết ở làng địa ngục trong buổi trò chuyện cùng sinh viên HSU chiều nay (1/12). Để giúp sinh viên hiểu thêm về những thử thách này, ngành Quản trị Công nghệ Truyền thông HSU đã tổ chức buổi talkshow với chủ đề: “Những yếu tố dân gian trong phim kinh dị”.
Những chia sẻ chân tình từ đạo diễn Trần Hữu Tấn, nhà sản xuất Hoàng Quân và tác giả Thảo Trang đã giúp các bạn sinh viên đào sâu hơn những ngóc ngách khi sản xuất 1 bộ phim. Đặc biệt với Tết ở làng địa ngục, phim kinh dị cổ trang được quay ở Làng Sảo Há – Hà Giang với thời tiết lạnh giá dưới 5 độ C.
Làm thế nào để bám sát nguyên tác của truyện, các yếu tố dân gian, tâm linh lên phim tự nhiên và đúng với lịch sử văn hóa Việt Nam là một điều không hề dễ. Phim cũng phải chú trọng yếu tố kinh dị, rùng rợn một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Để có được điều đó, đoàn phim phải xây dựng từ bối cảnh, phục trang, tạo hình nhân vật… chỉn chu, các nút thắt, diễn biến nhân vật đảm bảo logic và rùng rợn cả phần nhìn lẫn phần nghe.
Đặc biệt, với bối cảnh quay đặc biệt, đoàn làm phim hơn 200 người phải di chuyển, gần như là “sinh sống” tại ngôi làng trong vòng nhiều tháng trời trong điều kiện thời tiết lạnh giá, không điện, không nước, thiếu đồ ăn, chỗ ngủ… Cách để đảm bảo an toàn, sinh hoạt cho diễn viên, bảo vệ các thiết bị sản xuất, ekip đã trải qua nhiều thử thách.
Buổi giao lưu là cơ hội hiếm có để sinh viên được học được những kinh nghiệm “xương máu” từ các nhà làm phim. Không chỉ để học hỏi, đó còn là nguồn cảm hứng để các bạn sinh viên kiên trì theo đuổi đam mê của mình.
Là người đồng hành cùng nhiều hoạt động của sinh viên ngành Quản trị Công nghệ Truyền thông và ngành Phim tại HSU, nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết: “Anh rất ấn tượng với các bạn sinh viên Hoa Sen, rất năng động, sáng tạo và chịu khó học hỏi. Anh nghĩ việc trường tổ chức những buổi trò chuyện như thế này là cách để rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường và thực tế, giúp sinh viên tiếp cận với nghề làm phim một cách thực tế hơn”.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Cá nhân anh luôn đánh giá cao khi Nhà Trường ngỏ lời mời cho anh và các đoàn làm phim giao lưu sinh viên. Đây là cách để giúp các bạn sinh viên tiếp cận với nghề một cách nhanh chóng và chân thực hơn”.
Trong khi đó, nói về việc khai thác yếu tố dân gian, nhà văn Thảo trang chia sẻ: “Toàn bộ những gì chị viết được, từ những tình tiết, cách xây dựng nhân vật, yếu tố dân gian, kinh dị…. hoàn toàn đều là học từ các thầy cô và trường học, đặc biệt là trường đại học. Những môn cơ sở văn hóa, môn học thực địa thôi thúc chị tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và thú thật, văn hóa dân gian của nước mình không hề thua kém bất kỳ một đất nước nào. Các bạn bây giờ được tạo rất nhiều điều kiện để theo đuổi ngành học mà mình muốn, do đó, hãy cứ kiến trì tìm hiểu và theo đuổi nó.
Đặc biệt trong quá trình làm phim, Trương Minh Chánh – sinh viên HSU là người trực tiếp làm việc cùng đạo diễn Trần Hữu Tấn. Nhận xét về sinh viên HSU, đạo diễn trẻ cho biết: “Anh không coi Chánh như trợ lý mà coi như một người bạn đồng hành. Qúa trình làm phim có những cảnh quay cần chỉnh sửa, anh vẫn trao đổi và lắng nghe góp ý từ cộng sự của mình. Anh đánh giá cao tinh thần làm việc của Chánh và các bạn trẻ hiện nay”.