go789 game bài đỉnh cao Nền tảng đáng tin cậy

Đại học Hoa Sen – HSU
VI EN

Sơn Mài: Từ mỹ nghệ đến hội họa

Sơn mài là một chất liệu hết sức quen thuộc trong hội họa Việt Nam. Màu sơn cánh gián huyền bí sang trọng kết hợp với những vật liệu khác như vỏ trứng, vàng bạc, vỏ trai… đã tạo thành một vẻ đẹp rất đặc trưng, được sử dụng nhuần nhuyễn trong những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu…

Nhưng có lẽ vẫn còn nhiều người không biết rằng, thể loại tranh này thực chất có lịch sử tương đối mới mẻ. Dù chất liệu sơn ta đã được sử dụng lâu đời ở nước ta, nhưng trước thời Pháp thuộc, sơn ta chỉ chủ yếu được dùng trong mỹ nghệ, phủ lên trang trí đồ vật, hoành phi, câu đối… Những người đầu tiên đưa sơn mài vào trong hội họa là các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, tức Đại học Mỹ thuật Việt Nam bây giờ.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là trường mỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam được lập ra bởi người Pháp, dạy và học theo hệ thống của phương Tây. Tuy nhiên, trong ban giám hiệu và giáo viên của trường, có rất nhiều người yêu mến văn hóa bản địa và mong muốn tìm kiếm một sự dung hòa giữa mỹ thuật phương Tây và bản sắc Việt Nam. Trong số đó có Joseph Inguimberty (1896-1971), một họa sĩ người Pháp rất say mê văn hóa Việt Nam và vẻ đẹp của sơn ta. Cùng với hai người sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: hiệu trưởng Victor Tardieu (1870 –1937) và họa sĩ Nam Sơn (1890-1973), họ đã đưa sơn mài vào chương trình học của trường.

Họa sĩ Nam Sơn tuyên bố rằng môn học sơn mài sẽ tìm tòi những kỹ thuật cả trong và ngoài nước (Việt Nam, Nhật, Trung Hàn…), nhưng nhắm tới một phong cách thuần Việt về màu sắc, biểu hiện.

Được sự cổ động từ các vị thầy giáo này, những họa sĩ Việt trẻ tuổi đã hăm hở thử nghiệm, dẫn đến một phá cách táo bạo: Họ quyết định đưa sơn ta, một chất liệu mỹ nghệ truyền thống vào hội họa, mong muốn tạo một chất liệu sánh ngang với sơn dầu của phương Tây.

Sau nhiều thử nghiệm, sơn mài đã dần dần chứng minh được chỗ đứng và sự phong phú trong sắc thái biểu hiện. Nhìn một bức tranh sơn mài như Thiếu nữ trong vườn (1939) của Nguyễn Gia Trí, ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, nhưng màu sắc của các vật liệu truyền thống cùng với kết cấu bình phong 8 miếng lại cho ta thấy nét đẹp của truyền thống mỹ nghệ Đông Dương. Bức “Gió mùa hạ” của Phạm Hậu lại cho thấy khả năng diễn tả những chuyển động tinh tế và uyển chuyển của chất liệu này.


Tranh sơn mài: Vườn xuân Bắc Trung Nam – Họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Sau thời kỳ Pháp thuộc, sơn mài vẫn được coi trọng và phát triển như một thể loại tranh độc đáo của Việt Nam, được sử dụng trong nhiều chủ đề khác nhau, phong cảnh, đời sống, chân dung… Có người sử dụng sơn mài trong các tác phẩm mang màu sắc trừu tượng, cách tân. (Gióng – Nguyễn Tư Nghiêm). Thực tế đã chứng minh sức thể hiện phong phú của sơn mài, và vẻ đẹp của nó đã làm say mê rất nhiều thế hệ họa sĩ và người yêu tranh trong và ngoài nước.


Tranh sơn mài Thiếu nữ trong vườn, Họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Thời kỳ Pháp thuộc là một giai đoạn phức tạp, và những thương tổn của chế độ thuộc địa lên văn hóa Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ lành hẳn. Nhưng trong giai đoạn đó, chúng ta vẫn thấy những người nghệ sĩ nước ngoài hết lòng vì văn hóa Việt như Inguimberty và Tardieu, cũng như sự sáng tạo và lòng yêu nước của những họa sĩ người Việt như Nam Sơn và các học trò của ông. Sự ra đời của sơn mài không chỉ là một bước tiến về mặt mỹ thuật, mà còn thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc của nghệ sĩ Việt: Từ đây những người Việt đã có một thể loại tranh riêng, mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Quỳnh Anh
Giàng viên Khoa Thiết kế và Nghệ thuật

Facebook Youtube Tiktok Zalo