Ngắm lại bộ tác phẩm Digital Art trong Anh Hùng Sử Việt
Bộ tranh được thực hiện bởi họa sỹ Phan Vũ Linh, diễn giả trong buổi Workshop Minh họa kỹ thuật số – Digital Illustration nằm trong chuỗi sự kiện Công nghệ Kỹ thuật số do Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức.
Họa sĩ Phan Vũ Linh hiện là Phó viện trưởng, giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Thiết kế game – một trong những khóa học tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam.
Trước năm 2000, anh theo học ngành Sơn dầu tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, sau đó học Thạc sĩ chuyên ngành Illustrator tại Academy of Art University, San Francisco, Mỹ.
Anh đã từng là họa sĩ thiết kế tại công ty SJC, họa sĩ ý tưởng tại Dentsu, Satchi & Satchi. Từ năm 2010, anh là giảng viên khoa truyện tranh tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Đồng thời cũng là là Phó Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam từ năm 2004.
Phan Vũ Linh cũng đã nhận Giải thưởng Nokia Art – Asian Pacific (1999), Giải nhì tại AAU Spring show (2009), Giải Bông sen vàng (2009) cho vị trí: concept artist cho bộ phim hoạt hình “Thỏ và Rùa”.
Sắp tới, Họa sỹ Phan Vũ Linh sẽ xuất hiện trong chương trình workshop để cùng sinh viên nhóm ngành Thiết kế trải nghiệm với dòng bản vẽ kỹ thuật số mới nhất cho công việc thiết kế. Các bạn sẽ khám phá tính ứng dụng của ngành học này trong thực tế cuộc sống, tham khảo các định hướng đào tạo tại môi trường đào tạo chuyên nghiệp và trải nghiệm khả năng thể hiện Minh họa Kỹ thuật số – Digital Illustration trên các thiết bị tiên tiến nhất của công ty cung cấp thiết bị Wacom.
Dưới đây là một số tranh vẽ của Họa sỹ Phan Vũ Linh cho bộ truyện tranh về thần thoại, cổ tích và lịch sử Việt Nam: Anh Hùng Sử Việt
Cuộc ác chiến của Thạch Sanh với đại bàng tinh dưới hang sâu.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt.
Tất cả các tác phẩm được làm từ digital art (nghệ thuật số – thuật ngữ dùng cho các tác phẩm được “nhào nặn” bởi công nghệ kỹ thuật số hiện đại thay vì phương pháp vẽ tay truyền thống).
Một bức vẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy.
Để giúp các tác phẩm mang màu sắc theo kiểu “hàn lâm cổ điển”, tác giả đã mang cảm hứng tranh sơn dầu hòa vào nghệ thuật digital. Do vậy, các tác phẩm digital art này khá giống tranh sơn dầu truyền thống. Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của nhiều họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng nên bạn có thể để ý thấy, các tác phẩm luôn chú trọng đến yếu tố chuẩn xác, chỉn chu về giải phẫu học, ánh sáng và bố cục.
Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đánh tan giặc Ân xâm lược.
Điều mà tác giả lưu tâm nhất khi bước vào sáng tác một tác phẩm trong bộ sưu tập này là sự cân đối giữa tính xác thực và yếu tố hư cấu. Nếu muốn bám sát lịch sử thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu, khiến tranh trở nên khô khan, thiếu sinh động. Ngược lại, nếu hư cấu quá nhiều sẽ khiến tác phẩm trở nên khó tin và không có chiều sâu.