[Giải đáp] Sự khác nhau giữa logistics và chuỗi cung ứng
Sự khác nhau giữa logistics và chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất là gì? Trong khi định nghĩa của hai thuật ngữ đều nói về việc đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ được giao đúng địa điểm, đúng thời hạn với chi phí hợp lý. Logistics và chuỗi cung ứng thường bị hiểu lầm là giống nhau vì có mối liên hệ mật thiết. Bài viết dưới đây của Đại học Hoa Sen sẽ phân tích chi tiết sự khác biệt giữa hai thuật ngữ trên giúp bạn đọc hiểu hơn.
Logistics là gì?
Logistics là khâu trung gian giúp vận chuyển hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tận tay người tiêu dùng nhanh chóng nhất. Bao gồm các hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất và nhập khẩu, quản lý đội tàu, kho bãi, nhân sự, hoạch định đơn hàng, quản lý công nợ, hoạch định chi phí sản xuất. Ngoài ra, Logistics cũng sẽ kiêm cả khâu tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, lên kế hoạch sản xuất, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ khách hàng.
Các hoạt động chính của ngành Logistics
- Sản xuất hàng hoá: Quản lý sản xuất hàng hoá trong các phân xưởng theo đúng yêu cầu chất lượng của đơn đặt hàng.
- Đóng gói hàng hoá: Đóng gói sản phẩm vào thùng, hộp carton nhằm bảo quản hàng hoá và thuận lợi cho việc vận chuyển.
- Quản lý hàng tồn kho: Quản lý và đảm bảo số lượng và chất lượng hàng dự trữ trong kho, thực hiện nhập xuất hàng hoá theo định kỳ.
- Vận chuyển hàng hóa: Logistics là khâu trung gian giúp vận chuyển hàng hóa từ kho của nhà sản xuất tới nơi tiêu thụ.
- Lưu kho, lưu bãi hàng hóa: Hàng hóa sẽ được lưu trữ tại kho, bãi trong khi chờ làm thủ tục xuất nhập hàng hóa.
- Xếp dỡ hàng hoá: Xếp dỡ vào container hoặc bốc xếp trực tiếp lên xe tải, tàu hoả, tàu thuỷ hay máy bay để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
- Khai báo hải quan: Khai báo các chứng từ thuế theo quy định của nhà nước, đóng thuế và các chi phí khác.
- Kiểm duyệt hàng hoá: Tiến hành kiểm soát nhằm đảm báo số lượng và chất lượng của hàng hoá không vi phạm các quy định của pháp luật.
- Giải quyết các chứng từ và hồ sơ có liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá.
Chuỗi cung ứng là gì?
Chuỗi cung ứng là một hệ thống bao gồm các quy trình, con người, nguồn lực, hoạt động liên quan đến việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ từ tay người sản xuất đến khách hàng. Chuỗi cung ứng gồm nhiều thành phần tham gia từ các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đại lý phân phối, vận chuyển đến người cuối cùng là khách hàng.
Quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management) là quá trình tổ chức và quản lý toàn bộ các hoạt động. Từ cung ứng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Nó bao gồm quản lý các quá trình mua hàng hoá, vận chuyển, sản xuất, phân phối. Logistics là một phần nhỏ của chuỗi cung ứng nhưng lại giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Các hoạt động chính của quản lý chuỗi cung ứng (SCM)
- Kế hoạch sản xuất và cung ứng: Cần phải nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng để doanh nghiệp dễ dàng lên kế hoạch sản xuất và cung ứng hàng hóa sao cho phù hợp. Tránh tình trạng dư thừa và tồn kho vượt ngưỡng cho phép.
- Quản lý kho: SCM giúp quản lý và điều phối hoạt động lưu trữ và quản lý kho hàng. Chức năng này bao gồm kiểm tra hàng tồn kho, quản lý đơn hàng, đóng gói, kiểm tra sản phẩm và quản lý dữ liệu về lô hàng. Mục tiêu chính của quản lý kho là giúp giảm lượng chi phí cho hoạt động lưu trữ đến mức tối thiểu.
- Vận chuyển và phân phối: SCM đảm bảo vận chuyển và phân phối hàng hóa một cách hiệu quả. Chức năng này bao gồm lựa chọn phương thức vận chuyển, lên kế hoạch lịch trình, quản lý phương tiện vận chuyển và giám sát hoạt động vận chuyển.
- Quản lý đối tác cung ứng: SCM sẽ xem xét và duy trì mối quan hệ với các đối tác trong chuỗi cung ứng. Bao gồm nhà cung cấp, nhà sản xuất, đại lý và khách hàng. Việc quản lý đối tác cung ứng là rất cần thiết để đạt được việc tối đa hoá hiệu suất của chuỗi cung ứng.
- Dự báo và lập kế hoạch: SCM giúp dự báo nhu cầu thị trường giúp doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, vận chuyển và lưu trữ hàng hoá sao cho phù hợp. Quản lý dự báo và lập kế hoạch giúp đạt được cân bằng về nguồn cung và nhu cầu. Đảm bảo rằng hàng hoá được cung ứng đúng thời điểm và đúng số lượng.
- Quản lý rủi ro: Chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp phát hiện và quản lý kịp thời rủi ro có thể gặp phải. Từ đó có được giải pháp sửa đổi hoặc thay thế thích hợp. Việc quản lý rủi ro tốt sẽ giúp doanh nghiệp có thêm ưu thế cạnh tranh với các công ty đối thủ. Củng cố uy tín thương hiệu và tạo dựng được lòng tin với khách hàng.
Điểm giống nhau của Logistics và chuỗi cung ứng
Cả logistics và quản lý chuỗi cung ứng đều tập trung vào sự luân chuyển của hàng hóa từ điểm xuất phát đến điểm cuối cùng. Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics cùng hoạt động để di chuyển, lưu giữ và cung cấp sản phẩm một cách tốt nhất có thể. Cả hai đều yêu cầu sự kết hợp chặt chẽ của nguồn cung, lao động và cơ sở vật chất nhằm đảm bảo rằng mặt hàng có thể di chuyển trong chuỗi cung ứng một cách trơn tru, hiệu quả. Logistics là một mắt xích nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Một số khía cạnh giống nhau của Quản trị chuỗi cung ứng và Logistics là:
- Cả hai đều tập trung vào sản phẩm, dịch vụ.
- Cả hai đều có mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
- Cả hai đều tập trung cải thiện mức độ thỏa mãn của khách hàng.
- Cả hai đều giúp vận chuyển hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp đến các nhà bán lẻ và cuối cùng là tới tay người tiêu dùng.
Sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng
Bảng tiêu chí dưới đây sẽ giúp bạn đọc có góc nhìn khái quát về sự khác nhau giữa Logistics và Chuỗi cung ứng.
Tiêu chí | Logistics | Quản lý chuỗi cung ứng |
Quy mô | Hẹp hơn, tập trung vào vận hành hàng hóa | Rộng hơn, bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng |
Mục tiêu | Đảm bảo vận chuyển hàng hóa nhanh nhất, hiệu quả nhất | Tối ưu toàn bộ chuỗi cung ứng |
Các bên liên quan | Ít hơn, chủ yếu là các công ty vận chuyển, kho bãi | Nhiều hơn, bao gồm nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ, khách hàng |
Hoạt động chính | Vận tải, lưu kho, đóng gói, giao nhận | Tìm nguồn cung ứng, dự báo nhu cầu, quản lý hàng tồn kho, hợp tác với các đối tác |
Quy mô
- Logistics: Tập trung vào các dịch vụ vận chuyển, quản lý kho bãi, bảo dưỡng và quản lý hàng hoá trong một công ty vừa và nhỏ.
- Chuỗi cung ứng: Liên quan đến mạng lưới các đối tác nhằm đáp ứng cung – cầu của thị trường. Thông qua việc quản lý chuỗi cung ứng, kho bãi, vận chuyển, doanh nghiệp sẽ có những chính sách chăm sóc khách hàng tốt hơn và hợp tác lâu dài với các đối tác.
Mục tiêu
- Logistics: Tập trung mục tiêu giảm chi phí và nâng cao hiệu quả dịch vụ trong phạm vi doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình vận tải và quản lý kho bãi hiệu quả.
- Chuỗi cung ứng: Đặt mục tiêu giảm chi phí toàn bộ quá trình và thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ giữa các bên trong chuỗi cung ứng. Nâng cao chất lượng toàn bộ quá trình từ nguồn cung ứng đến đầu ra.
Các bên liên quan
- Logistics: Chủ yếu là các công ty về dịch vụ vận tải, kho bãi.
- Chuỗi cung ứng: Bao gồm nhà cung cấp, đại lý, nhà phân phối, nhà bán lẻ, khách hàng. Các bên liên quan của chuỗi cung ứng sẽ rộng lớn hơn, phức tạp hơn logistics rất nhiều.
Hoạt động
- Logistics: Quản lý toàn bộ hoạt động vận chuyển, lưu trữ, tồn kho, đơn đặt hàng, giao nhận và chăm sóc khách hàng trong phạm vi công ty. Tập trung vào quản lý hoạt động hằng ngày nhằm đảm bảo quy trình hoạt động trơn tru và hiệu quả.
- Chuỗi cung ứng: Bao gồm toàn bộ Logistics và cả quản lý chuỗi cung ứng, vận hành, kinh doanh và làm việc với các bên liên quan.
Sự ảnh hưởng
- Logistics: Chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng nên sức ảnh hưởng ngắn hạn, tạm thời.
- Chuỗi cung ứng: Là một hệ thống rộng lớn nên có tầm ảnh hưởng lớn hơn so với logistics. Chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của công ty và với các bên liên quan.
Vai trò của Logistics đối với chuỗi cung ứng
Trong quản lý chuỗi cung ứng, vai trò của Logistics là đảm bảo vận chuyển, lưu giữ hàng hoá và dịch vụ một cách hiệu quả. Đồng thời lưu lại các thông tin và báo cáo về sự vận chuyển của hàng hoá từ điểm xuất phát đến khách hàng cuối cùng. Logistics tuy là một phần nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và thành công của chuỗi cung ứng. Một doanh nghiệp có hệ thống Logistics hiệu quả sẽ có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Vai trò của logistics đối với chuỗi cung ứng cụ thể như sau:
Cung cấp sản phẩm đúng hẹn
Logistics giúp đảm bảo rằng sản phẩm được giao đến đúng nơi và đúng thời điểm. Cung cấp sản phẩm đúng hẹn giúp công ty tăng mức độ hài lòng của khách hàng, thúc đẩy doanh thu bán hàng và cắt giảm chi phí tồn kho.
Giảm thiểu chi phí
Logistics có thể giúp cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách tối ưu hoá các phương tiện vận chuyển và lưu trữ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách áp dụng các phương tiện vận chuyển hiệu quả cao, tối ưu hoá khu vực kho bãi.
Giữ chân khách hàng tốt hơn
Khách hàng sẽ hài lòng hơn khi nhận được hàng hoá đúng thời gian với chất lượng được đảm bảo. Logistics có thể giúp giữ chân khách hàng bằng việc cung cấp dịch vụ khách hàng chu đáo và thoả mãn nhu cầu của họ.
Cải thiện hiệu quả hoạt động
Logistics có thể giúp cải thiện hiệu suất của chuỗi cung ứng bằng cách cắt giảm chi phí và tối đa hiệu suất. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cải tiến quy trình, tích hợp công nghệ thông tin và hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng.
Tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp với đối thủ
Logistics có thể giúp doanh nghiệp tạo ra trải nghiệm khác biệt cho khách hàng bằng cách cung cấp giải pháp vận tải và lưu trữ sáng tạo và hiệu quả. Điều này có thể giúp doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu của mình, cạnh tranh với các đối thủ khác cùng ngành. Trong bài viết trên, Đại học Hoa Sen đã cùng bạn tìm hiểu sự khác nhau giữa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Logistics là một phần vô cùng cần thiết và không thể bỏ qua để giúp quản lý chuỗi cung ứng đạt hiệu suất cao. Hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức giúp hiểu sâu thêm về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Đừng quên tham khảo các bài viết hữu ích khác của Đại học Hoa Sen về chuyên ngành này nha!
Xem thêm:
Các hoạt động chính trong Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng