NHỮNG BÀI HỌC TỪ NGƯỜI SẮP QUA ĐỜI – Rodney Smith
TS. Dương Ngọc Dũng
Giám đốc Chương trình Triết học, Khoa KHXH, Đại học Hoa Sen
Một triết gia Đức vĩ đại, có thể là vĩ đại nhất trong các triết gia thuộc thế kỷ 20, là Martin Heidegger, đã nhận xét rằng con người là một “hữu quy tử” (Sein zum Tode). Con người chỉ sống một cách chân chính khi ý thức rằng mình đang trong cuộc lữ hành trở về nguồn cội căn nguyên nhất của mình là cái chết. Xưa nay con người mấy ai không run sợ khi nghĩ đến sự kết thúc này, may ra chỉ trừ những đấng anh hùng hảo hán hiên ngang tuyên bố “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Nhân sinh từ xưa ai không chết/ Một tấm lòng son chiếu sử xanh. Thơ Văn Thiên Tường). Phần lớn triết lý và tôn giáo của nhân loại đều bắt nguồn từ nỗ lực đáp ứng với sự thách đố tối hậu này.
Nhưng có thực cái chết là sự kết thúc tất cả? Cát bụi trở về cát bụi? “Một cõi đi về” của Bùi Giáng hay “cõi người ta” của Nguyễn Du phải chăng là hệ lụy duy nhất của kiếp nhân sinh đầy khao khát sự bất tử? Chúng ta đã biết gì về sự chết? Theo triết gia Wittgenstein, một người vĩ đại không kém gì Heidegger, “chết” không phải là một sự vụ của nhân sinh, không phải là một phần của “sống,” nên chúng ta đành bó tay xem đó là một cái gì bất khả tri ngộ. Tác giả Rodney Smith, một hành giả Phật Giáo tu tập nhiều năm tại Thái Lan và Myanmar, đã cung cấp cho chúng ta một kiến giải thú vị dựa trên các trải nghiệm của ông bên cạnh những kẻ gần đất xa trời trong các bệnh viện. Ông chỉ trích mạnh mẽ thái độ, chủ yếu của người phương Tây, khi quá tôn sùng sự sống và khiếp hãi cái chết, xem đó là một sức mạnh hủy diệt, cướp đi những gì tốt đẹp nhất. Khi sợ hãi cái chết, chúng ta tự đóng lại cánh cửa dẫn đến những trải nghiệm mới mẻ gắn liền cuộc sống và cái chết. Từ lâu tâm thức phương Đông, được nuôi dưỡng chính trong Ấn Giáo, Phật Giáo, Nho Giáo, và Đạo Giáo, luôn giữ một thái độ bình thản, an nhiên tự tại trước cái chết. Người phương Tây, dưới ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, xem cuộc sống là duy nhất, hoàn toàn tách biệt khỏi bóng tối của Tử Thần. Đức Giê-su Ki Tô được tôn vinh vì Ngài đã chiến thắng chúa tể của cõi âm. Trong tư duy của phần lớn tôn giáo Châu Á, cả “chết” và “sống” chỉ là hai mặt của cùng một thực tại sinh động luôn luôn lưu chuyển. “Khởi đầu” hay “kết thúc” chỉ có giá trị tương đối. Thái độ quan trọng nhất của tâm thức là thái độ buông xả. Chỉ cần chữ “xả” trong bốn chữ “từ, bi, hỉ, xả,” cũng đủ để tóm tắt tinh thần cốt yếu của Phật Giáo. “Xả” (trong tiếng Phạn là upeksha) tiếng Anh được dịch rất chính xác là “equanimity” (bình thản, an nhiên), diễn tả một thái độ cởi mở trước mọi hình thức của “thực tại,” không hề bị vướng mắc trong sân hận, tham lam, hay phiền não khi “thực tế” đổi thay. Cái chết cũng là một trong những “gương mặt” của “thực tại” nhân sinh mà chúng ta cần nhìn nhận trong mối quan hệ bất khả phân ly với cuộc sống hiện tiền. Chết không phải là sự kết thúc tối hậu. Rất có thể đó là một khởi đầu cho những trải nghiệm chưa hề được biết đến.
Nhưng đó không phải là thông điệp quan trọng nhất mà Rodney Smith muốn gửi đến cho người đọc. Một người có niềm tin tôn giáo vững vàng (một Phật Tử hay một tín đồ Thiên Chúa Giáo, hay một tín hữu tôn sùng đấng Allah) thì không hề bị ám ảnh về cái chết. Người không có niềm tin tôn giáo (như hầu hết các nhà khoa học) thì xem chết là hết, là kết thúc một quá trình sinh học tự nhiên. Nhưng cả hai nhóm người này không hề xem việc suy ngẫm về ý nghĩa của cái chết chính là cánh cửa mở vào một cuộc sống thực sự viên mãn hơn. Sống, tồn tại, đối với nhiều người là lo âu, phiền não, nuối tiếc. Lo âu về tương lai bấp bênh nên phải thu gom, tích trữ của cải thật nhiều. Tham lam tận hưởng và săn tìm những thú vui vật chất càng nhiều càng tốt vì cho rằng chết là hết, không còn gì. Và như thế tất yếu sẽ dẫn đến phiền não vì với lòng tham dục vô bờ có lúc nào mà chúng ta thỏa mãn đâu? Lúc nằm trên giường bệnh chờ Tử Thần đến rước đi về cõi miền xa lạ con người lại nuối tiếc vì vô số buồn đau lỗi lầm trong quá khứ. Giá mà chúng ta có thể trở lại? Giá mà chúng ta đừng quá say mê kiếm tiền đến mức quên lãng cả gia đình? Giá mà chúng ta ý thức được những giá trị chân thực trong cuộc sống sớm hơn? Theo Rodney Smith, chính cái chết là bậc thầy vĩ đại giúp chúng ta thực sự sống tốt hơn. Đa số chúng ta không bao giờ nghiền ngẫm về điều này cho đến khi quá muộn.
Tập sách là một thiên khảo luận triết lý về cái chết và sự sống. Nó thực sự cần thiết cho những ai bôn ba trong đời muốn dừng lại và suy ngẫm về giá trị của cuộc tồn sinh. Như lời Đức Phật trả lời tên sát nhân Angulimala đang đuổi theo Ngài khi tên này kêu lên: “Hỡi sa môn kia, hãy dừng lại!”: “Ta đã dừng lại rồi. Chỉ có ngươi là chưa dừng lại!” Đôi khi chúng ta cần phải dừng lại trong dòng đời để tự đặt cho mình câu hỏi: “Chúng ta đang đi về đâu? Dừng lại được chưa?”
NGUỒN: